Ba dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Viettel

04:11 | 19-11-2019

"Tại Viettel, trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu ứng dụng trải dài ở hầu hết các hệ sinh thái khác nhau như y tế, giáo dục, giao thông, nông lâm nghiệp, ngân hàng số, thành phố thông minh cũng như thương mại điện tử", Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Lõi, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel chia sẻ về ý nghĩa các dự án AI tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo (AI4VN), diễn ra vừa qua tại Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm công nghệ lõi, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm công nghệ lõi, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Hỗ trợ chẩn đoán nội soi đường tiêu hóa

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, đây là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam đi sâu vào lĩnh vực nội soi, cụ thể là nội soi đường tiêu hóa, hỗ trợ phát hiện sớm một số bệnh. Bước đầu tiên, AI được huấn luyện giúp tự động xác định các vị trí của dạ dày: bờ cong nhỏ, thân vị, phình vị, tâm vị, môn vị, hang vị. Sau đó, AI hỗ trợ khoanh vùng bị tổn thương. Ở giai đoạn thử nghiệm, dự án tập trung phát triển thuật toán phát hiện viêm dạ dày mạn, ung thư dạ dày, bao gồm cả những tổn thương giai đoạn sớm.

Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh tật đường tiêu hóa đặc biệt là đường tiêu hóa trên cao. Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh cho biết, tỷ lệ mắc vi khuẩn Helicobacter Pylori là 70-80%, các bệnh lý loét dạ dày tá tràng tương đối phổ biến và ung thư dạ dày hiện đứng hàng thứ 3 trong các bệnh lý ác tính. Điều này dẫn đến số lượng bệnh nhân có chỉ định nội soi tại các cơ sở y tế hiện thường xuyên quá tải. Hệ thống hỗ trợ chẩn đoán của Viettel giúp các bác sĩ tự động xác định vị trí và dự đoán tổn thương của người bệnh.

"Hệ thống này được kì vọng trong tương lai có tốc độ xử lý kết quả nhanh và nâng cao độ chính xác lên đến 90% và trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả nhất cho các bác sĩ nội soi tại Việt Nam", Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh.

Báo cáo các lần thử nghiệm của Viettel tại một số cơ sở y tế tại Hà Nội cho thấy, khả năng phát hiện đúng vị trí dạ dày có thể đạt trên 85% và bước đầu có khả năng khoanh vùng tổn thương. Hệ thống này cũng được kỳ vọng giải quyết bài toán thiếu hụt bác sĩ nội soi tại nhiều tuyến y tế.

Quản lý rừng

Hệ thống ứng dụng AI trong quản lý lâm nghiệp ra đời từ bài toán quản lý rừng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt tại Việt Nam.

Công nghệ AI hỗ trợ việc thống kê tình trạng và diện tích rừng ở mọi khu vực trong lãnh thổ Việt Nam qua vệ tinh với ba ưu điểm: nhanh, hiệu quả và tính hệ thống trong quản lý.

Như tại một số điểm nóng về khai thác rừng trái phép, công nghệ AI tự động xác định điểm mất rừng đột ngột và ước tính diện tích biến mất. "Qua thử nghiệm, độ chính xác trên 80%", Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh thông tin.

Hệ thống quản lý rừng do Viettel triển khai nếu được áp dụng giải quyết bài toán thiếu hụt lực lượng kiểm lâm hiện nay.

Hệ thống quản lý rừng do Viettel triển khai nếu được áp dụng sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt lực lượng kiểm lâm hiện nay.

Hệ thống quản lý rừng ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Viettel còn phát hiện sớm và cảnh báo kiểm lâm can thiệp kịp thời các tác động từ thiên nhiên như cháy rừng, lũ lụt, sạt lở đất lâm nghiệp. Hệ thống giúp thu thập cơ sở dữ liệu từ rừng, tiến tới xây dựng bản đồ quản lý tài nguyên lâm nghiệp, bổ sung cho việc thiếu hụt 60% lực lượng kiểm lâm.

An ninh mạng

"Giải pháp chống tấn công từ chối dịch vụ DDoS Viettel" là dự án cốt lõi trong bảo mật của Viettel.

DDoS là loại mã độc tấn công dễ thực hiện nhưng nguy hiểm bậc nhất hiện nay. Theo Tiến sĩ Vinh, thế giới đang sống trong thời đại công nghệ số, các thiết bị IoT rất phát triển. Dự kiến đến năm 2020 có khoảng 50 tỷ thiết bị, điểm yếu chung là bảo mật kém, 80% thiết bị có lỗ hổng bảo mật, dễ dàng lây lan khi nhiễm mã độc. Các doanh nghiệp hiện tại không có khả năng bảo vệ. Trung bình mỗi giờ, một doanh nghiệp có thể thiệt hại đến một tỷ đồng vì mã độc. 

Viettel đưa ra giải pháp an ninh mạng có thể giám sát được 24/7 với các doanh nghiệp và tổ chức. Trí tuệ nhân tạo trong hệ thống có thể tự động học thích nghi với từng khách hàng. Triển khai trong một năm qua, hệ thống phát hiện được 100% các cuộc tấn công. Tổng thời gian xử lý thấp, lọt top 3 thế giới, chi phí tiêu tốn chỉ bằng 0.1% so với việc hợp tác với các chuyên gia hiện nay.

"So với một số sản phẩm tương tự hiện nay, hệ thống của Viettel tiết kiệm tới 90% chi phí cho khách hàng", Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Thành Dương

Nguồn: vnexpress

Link bài gốc: TẠI ĐÂY