Viettel nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị bệnh tim

04:11 | 19-11-2019

Trong số các bệnh viện ở Việt Nam mà PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu đã có dịp đến tham quan và làm việc, bệnh viện nào có ứng dụng CNTT đem lại hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh và quản lý?

Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM là một mô hình tốt, người ta đầu tư rất lớn, trả lương cho kỹ sư CNTT giỏi làm việc tại bệnh viện. Bệnh viện Thủ Đức cũng có nhiều sáng kiến và cũng mạnh về CNTT.

Thế nhưng, tôi rất thích một bệnh viện rất nhỏ là Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam – một bệnh viện vệ tinh của chúng tôi. Đây là bệnh viện được Hàn Quốc tài trợ toàn bộ, sử dụng phần mềm hoàn chỉnh của Hàn Quốc, rất tốt. Điểm chưa hoàn hảo là phần mềm quản lý bệnh viện không hoàn toàn phù hợp với một bệnh viện ngang với tuyến huyện.

Chính vì vậy, tôi mong muốn người Việt Nam chúng ta viết được phần mềm ứng dụng đúng cho từng bệnh viện. Làm được điều này, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Ví dụ bệnh viện tuyến huyện thì có thể đóng bớt một số chức năng, và là hệ thống mở để có thể đưa vào các liên kết, ứng dụng mới vào trong tương lai.

Cái này tôi nghĩ là nhiều công ty tin học đã nghĩ đến nhưng rất khó bởi đòi hỏi đầu tư rất lớn. Như một công ty phần mềm làm với chúng tôi thì chỉ làm cái phần mềm quản lý bệnh viện thôi mà hàng tháng tiêu tiền tỷ, trong khi cơ chế để thu lại tiền từ khoản đầu tư này hiện không dễ dàng.


Liệu có thể làm một hệ thống phần mềm quản lý thống nhất cho các bệnh viện trên toàn quốc?

Nếu có thể làm được một phần mềm quản lý bệnh viện với các cấu phần chuẩn cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Như ở Singapore, các bệnh viện dùng nhiều phần mềm, sau đó Nhà nước chọn cái tốt nhất để đưa thành chuẩn cho việc quản lý bệnh viện của quốc gia. Lúc đó, việc quản lý y tế về mặt vĩ mô là dễ dàng hơn nhiều. Phần mềm liên thông với nhau rồi thì mọi con số cũng thông với nhau, lúc ấy mọi thứ minh bạch và một nền y tế tường minh sẽ xuất hiện.


Hiện nay, Việt Nam đã liên thông được hệ thống thanh quyết toán bảo hiểm y tế rồi mà?

Hệ thống bảo hiểm y tế chỉ liên quan đến tiền thôi, còn nếu link được với hệ thống quản lý của bệnh viện, để 2 hệ thống liên thông với nhau thì sẽ khác. Hiện nay, khi đi 2 bệnh viện thì 2 hệ thống khác nhau, dữ liệu không thể chuyển được. Còn khi 2 hệ thống đó đã liên thông nhau theo tiêu chuẩn thì mọi việc rất tường minh. Việc liên thông sẽ giúp các bác sĩ có thể tra thông tin để tìm hiểu tiền sử người bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Đó là tương lai mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu và quyết tâm thực hiện việc quản lý sức khỏe điện tử cho từng người dân.

Ứng dụng CNTT trong y học nói chung và trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh nói riêng vẫn như một con đường rộng thênh thang mà người đi lại rất thưa thớt.


Làm việc với Viettel đã nhiều năm, anh đánh giá như thế nào về các giải pháp CNTT cho ngành y tế của Viettel?

Tôi đã làm việc với Viettel 10 năm nay qua chương trình “Trái tim cho em”. Tôi thấy Viettel là một công ty năng động, tiên phong, và có rất nhiều ý tưởng. Có ý tưởng tốt có ý tưởng chưa thành công nhưng luôn liên tục có ý tưởng.

Gần đây nhất, tôi và các anh em trẻ làm IT ở Viettel có làm một dự án mới. Dự án này chưa biết có thành công hay không nhưng tôi rất hy vọng nó sẽ thành công: đó là dùng phần mềm để tự động sàng lọc tiếng tim bệnh lý.

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chương trình sàng lọc bệnh tim ở trẻ sơ sinh tại An Giang nơi tôi ứng cử đại biểu quốc hội. Viettel tài trợ cho tất cả các cơ sở y tế có sinh nở, các phương tiện cần thiết để sàng lọc. Trong đó, thiết bị đặc biệt là tai nghe có khả năng khuyếch đại tiếng tim và ghi âm, tự phát bằng wifi gửi về trung tâm.

Chúng tôi sử dụng phần mềm do Viettel tự viết để sàng lọc tiếng đó. Nếu là bệnh lý thì hệ thống sẽ báo động để bác sĩ, chuyên gia tại Hà Nội hoặc bệnh viện tim mạch ở An Giang, nghe lại tiếng tim; còn nếu tiếng tim đó bình thường thì không cần sàng lọc nữa. Đó là bước đầu tiên để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc điều trị bệnh tim.

Đây là lần đầu tiên việc này thực hiện tại Việt Nam và rất khó khăn bởi phần mềm tự nhận tiếng tim là bệnh lý (dương tính) thì dễ, nhưng nhận biết chắc chắn tiếng tim đó không phải bệnh lý thì khó khăn hơn rất nhiều.

Công việc là đồ sộ, vì hệ thống phần mềm phải được nghe tiếng tim của tất cả các lứa tuổi từ trẻ em, ông già, người lớn… để nạp dữ liệu về tiếng tim bình thường, tạo ra dữ liệu lớn cho máy tự động lọc.

Tôi đánh giá rất cao quyết tâm dám làm của Viettel trong dự án này. Nếu dự án này thành công thì phần mềm sàng lọc, phát hiện tiếng tim bệnh lý còn có thể bán được ra toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.



Anh ấn tượng nhất với Viettel ở điểm gì khi cùng làm các dự án trong ngành y tế?

Tôi thấy điểm mạnh lớn nhất của Viettel là có quyết tâm làm cái mới, cái đó ít công ty dám làm. Bởi trước khi làm công ty nào cũng phải nghĩ đến cái lợi, kiếm được tiền, nhưng Viettel thì khác.

Thứ nhất, Viettel có tầm nhìn xa hơn nên có thể chấp nhận bỏ tiền ra đầu tư mà không quá lo ngại về chuyện thất bại. Các bạn tính kiểu nếu đầu tư sẽ thu được cái lợi lớn hơn về thương hiệu và đặc biệt là trách nhiệm với quốc gia. Tôi thấy các bạn là một công ty xây dựng văn hóa tốt về trách nhiệm với quốc gia.

Công ty tư nhân họ cũng có trách nhiệm nhưng cách thể hiện của Viettel là rất rõ ràng về vấn đề này. Các bạn muốn làm người dẫn đường, mở cửa cho các công ty khác cùng thực hiện những điều tốt đẹp cho đất nước. Tất cả các mảng đầu tư về CNTT ở Việt Nam đều có dấu ấn sâu sắc của Viettel.


Nguồn: 30nam.viettel.vn

Link bài gốc: Tại đây